Vì sao lại có ngày cá tháng tư?

Thursday, March 31, 2016


Ngày Cá tháng tư, còn gọi là ngày nói đùa, là ngày hội vui vẻ, hấp dẫn đối với những người tinh nghịch và hài hước, là ngày mà theo phong tục cũ tại một số quốc gia, bạn bè thường hay bày trò đùa giỡn nhau, và nhằm ngày 1 tháng 4 dương lịch hàng năm.
Theo quan niệm từ xưa vào ngày Cá tháng Tư, tất cả mọi người có thể nói khoác với nhau càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, tại một số nơi quy định khung thời gian cụ thể, chẳng hạn trò chơi này sẽ kết thúc vào buổi trưa. Còn nếu sau buổi trưa mà vẫn nói khoác, trêu đùa thì sẽ gặp những điều không may mắn.
Tuy đã rất phổ biến trên thế giới nhưng cho tới hiện tại nguồn gốc chính xác của ngày Cá tháng Tư vẫn còn rất nhiều bí ẩn với những nguồn gốc khác nhau.
Nước Pháp được coi là quê hương của ngày Cá tháng Tư (hay còn gọi là ngày nói dối 1/4). Vào thế kỉ 16 ở Pháp, mùa lễ hội hàng năm bắt đầu vào ngày đầu tháng Tư. Vào thời gian đó, năm mới được tính bắt đầu từ ngày 1/4 vì ngày này được xem là đầu tiên của mùa xuân. Nhưng vào năm 1582, Hoàng đế Charles IX đã ra lệnh chuyển ngày đầu năm mới về ngày 1/1.
Tuy nhiên, trên thực tế, do phương tiện liên lạc thời đó còn lạc hậu, người ta truyền tin chủ yếu bằng cách chạy bộ nên không phải người dân nào cũng biết có sự thay đổi đó. Những người khác tuy biết vẫn không chấp nhận lịch mới và tiếp tục đón năm mới vào ngày 1/4. Trò ngoan cố này bị quy là “ngớ ngẩn” và trở thành trò cười cho thiên hạ.
Một số người khi biết được điều này đã lém lỉnh trêu đùa gọi ngày 1/4 năm đó là “ngày nói dối”. Cũng từ đó, cái tên “Cá tháng Tư” hay “ngày nói dối” chính thức xuất hiện.



Tại Pháp, một trò đùa tháng tư là bất ngờ la hét " Poisom d' Avril ! " (trò lừa hay là kẻ ngốc tháng Tư) và người nghe sẽ là "kẻ ngốc tháng Tư". (Ảnh minh họa)
Cùng với thời gian, trò đùa vào ngày 1/4 trở thành truyền thống và lan từ Pháp sang Anh và Scotland (thế kỷ 18). Người Anh và người Pháp đưa tục lệ nói dối sang các thuộc địa ở Bắc Mỹ. Từ đó, ngày Cá tháng Tư trở thành một lễ hội quốc tế được chấp nhận ở nhiều nước khác nhau.

Ý nghĩa ngày Cá tháng Tư
Ngày Cá tháng Tư được biết đến là ngày con người có thể mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau. Bạn có thể thỏa thích đi lừa những trò đùa không gây hại cho mọi người.
Nhưng ở mỗi quốc gia, ngày Cá tháng tư lại khác nhau:
Tại Scotland, ngày Cá tháng Tư xưa kia có tên gọi là săn chim cúc-cu (Hunt-the-Gowk) ("gowk" trong phương ngữ Scotland là tên khác của một loài chim cúc cu hay là kẻ ngốc). Những trò đùa truyền thống là yêu cầu một người nào đó chuyển giúp một tin nhắn được niêm phong có yêu cầu xin được giúp đỡ. Thông điệp trong tin nhắn ghi: "Dinna cười to, dinna cười mỉm. Hãy săn chim cúc cu ở nơi khác" ("Dinna laugh, dinna smile. Hunt the gowk another mile") và người nhận được yêu cầu tiếp tục chuyển tiếp tin nhắn đến "nạn nhân" khác.
Tại Anh, một trò đùa tháng tư là bất ngờ la hét "April fool!" (trò lừa hay là kẻ ngốc tháng Tư) và người nghe sẽ là "kẻ ngốc tháng Tư". Một nghiên cứu vào những năm 1950 của nhà nghiên cứu văn học dân gian Iona và Peter Opie, phát hiện ra rằng ở Anh, và ở các quốc gia có truyền thống bắt nguồn từ Vương quốc Anh, bao gồm Úc, các trò đùa chấm dứt vào buổi trưa. Một người mà đùa giỡn sau buổi trưa thì cũng tự là "kẻ ngốc".
Năm 1957, đài BBC đã lập một trò đùa, được gọi là "Mùa thu hoạch mì ống Thụy Sĩ" (Swiss Spaghetti Harvest), khi mà họ phát sóng một bộ phim giả của nông dân Thụy Sĩ đang thu hoạch mì ống (Spaghetti) tươi từ những cành cây. BBC sau đó đã được tràn ngập bởi những yêu cầu để hỏi mua một "cây spaghetti" như thế, buộc họ phải thú nhận bộ phim là một trò đùa trong những tin tức ngày hôm sau.
Tại Iran, những trò vui nhộn được chơi vào ngày thứ 13 của năm mới Ba Tư (Nowruz), thường rơi vào ngày 1 hoặc ngày 2 tháng 4. Ngày này, được ghi nhận tổ chức từ năm 536 trước Công nguyên,được gọi là Sizdah Bedar và là trò đùa-truyền thống lâu đời nhất trên thế giới và vẫn còn tồn tại đến nay, thực tế này đã khiến nhiều người tin rằng ngày Cá tháng Tư có nguồn gốc từ truyền thống này.
Người Pháp thì gọi những người bị lừa là Poissons D’Avirl có nghĩa là “những con cá tháng Tư”. Và có lẽ do ảnh hưởng của người Pháp nên ở Việt Nam chúng ta gọi ngày này là ngày Cá tháng Tư.


Ai mà tin được, ai mà biết được, ai mà lường được... vì không ai nghĩ đến "ngày Cá" đấy thôi.
Trên chuyến xe bus đông người
Anh hên, nhặt được nụ cười của em
Ngay từ giây phút đầu tiên
Nhìn em, anh thấy như quen lắm rồi.
Hay đây là do “duyên trời”?
Để cho anh hết lẻ loi một mình
Anh không phải kẻ đa tình
Dù có cả đám gái xinh phải lòng
Anh vẫn là “lính phòng không”
Từ nay nguyện tặng hoa hồng cho em
Dạo này mưa gió triền miên
Ngại đi SH, anh liền đổi tai (style)
Taxi đi mãi chán rồi
Nên nhảy xe bus “nếm mùi” sinh viên
Hôm nay không rủng rỉnh tiền
Mấy cây (ATM) nó hỏng mới điên cái đầu
“A lô...”, à, điện thoại tàu
Tự nhiên anh thích không màu, trắng đen
Nên đưa thằng bạn ai phôn
Để dùng cục gạch, đấy, em đừng cười
Nhìn anh đầu tóc rối bời
Chắc là em nghĩ anh lười vệ sinh
Cả tuần không tắm một lần
Áo quần nhàu nhĩ, hôi rình như ma
Thực lòng, anh ngại nói ra
Mải học, chẳng biết chi là nghỉ ngơi
Trời cũng không phụ lòng người
Có trường bên Mỹ họ mời anh qua
Nhưng anh rất ngại xa nhà
Bây giờ càng ngại, vì là xa em
Bọn mình đang là sinh viên
Cho nên cố gắng ngày đêm trau dồi
Yêu nhau cho nhau nụ cười
Rồi cùng xây dựng cuộc đời đắm say
Thôi anh nói nốt câu này
Hôm nay tháng Bốn, lại ngày đầu tiên
Tin hay không, thì tùy em
Nhưng anh đây tính vốn quen thật thà
Những điều anh đã nói ra
Trăm phần trăm thật, dù là ... Cá Tháng Tư.
Sưu tầm

Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments