Cách mẹ xử lý dị vật rơi vào tai, mũi thực quản của trẻ

Wednesday, March 16, 2016

1. Xử lý dị vật trong tai trẻ


Trẻ có thể bị các loại hạt nhỏ như bắp, đồ chơi, cúc áo (hay còn gọi là dị vật bất động)... rơi vào tai hoặc bị côn trùng như kiến, bọ xít bò vào (dị vật cử động).



Dị vật bất động

Các loại hạt nhỏ, cúc áo, đồ chơi nhỏ rất dễ lọt vào tai bé mà ngay cả bé và mẹ đều không biết. Để lâu trong tai, bé sẽ cảm thấy tai bị ù, khả năng nghe kém, nếu nặng hơn có thể bị thủng tai và thấy đau khi ho.
Khi nhận thấy bé có dấu hiệu như khóc, tay sờ vào tai nhiều lần, bạn nên soi đèn pin vào lỗ tai của bé để xem có vật lạ nào nằm trong tai không. Nếu có bạn nên:

- Xác định đó là dị vật gì: hạt ngô hay bông gòn, cúc áo, vật có thể nở khi gặp nước hay không (đối với vật có thể nở khi gặp nước tuyệt đối không đổ nước vào tai bé vì có thể khiến chúng nở to và bịt lỗ tai).

- Nghiêng đầu trẻ về phía tai có dị vật, lắc nhẹ đầu và dùng tay nhẹ nhàng kéo tai trẻ để dị vật rơi ra ngoài. 

- Nếu dị vật không rơi ra ngoài khi lắc tai, bạn có thể trấn an bé ngồi yên để dùng kẹp gắp dị vật ra ngoài (với điều kiện bạn phải nhìn thấy dị vật).

- Trong trường hợp không thấy dị vật, dị vật lọt sâu bên trong không nên dùng kẹp gắp vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn trong tai gây rách màng nhĩ. Lúc này bạn nên đưa bé đi gặp bác sĩ tai - mũi - họng, tại đây các bác sĩ sẽ có cách xử lý phù hợp với tình trạng bệnh của bé như: bơm nước vào để lấy dị vật; dùng móc luồn về phía sau để lấy (nếu bơm nước không thành công); gây mê để loại bỏ dị vật trong tai...

Dị vật chuyển động
Côn trùng như kiến, bọ xít rất có thể bò vào tai khi bé mải chơi và không chú ý hoặc khi bé đang ngủ. Nếu để côn trùng lâu trong tai, bé sẽ cảm thấy ngứa ngáy hoặc đau rát do côn trùng cắn vào phần da mỏng ở ống tai hoặc cắn màng nhĩ. 

Đối với dị vật này, nếu không nhanh chóng lấy ra có thể khiến bé bị thủng màng nhĩ, viêm tai, ảnh hưởng nặng nề tới thính giác của trẻ sau này. Vì vậy, mẹ lưu ý:

- Phát hiện côn trùng chui vào tai, mẹ dùng đèn pin soi vào để chúng theo đường ánh sáng và bò ra ngoài.

- Nếu côn trùng không bò ra ngoài theo đường ánh sáng, bạn đổ ít dầu oliu vào tai bé để làm ngạt côn trùng, sau đó gắp côn trùng ra ngoài tai.

- Cuối cùng nếu không gắp được côn trùng ra ngoài cần đưa trẻ đến bác sĩ tai - mũi - họng.


2. Xử lý dị vật trong mũi trẻ


Mẹ không chỉ quan tâm tới việc bảo vệ đôi tai của con mà cũng cần phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi mũi bé có an toàn không, có dị vật nào nằm trong không. Các vật rất dễ rơi vào mũi bé như kẹo, các loại hạt nhỏ là nguyên nhân hàng đầu gây tắc đường thở ở trẻ do trẻ hiếu động, đùa giỡn có thể nhét chúng vào mũi.



Trong tình huống này mẹ cần bình tĩnh xử lý để tránh dị vật rơi sâu vào hốc mũi, cản trở đường thở của trẻ:




- Cách 1: Mẹ dùng ngón tay đè bên cánh mũi không có dị vật, sau đó yêu cầu bé xì thật mạnh.



- Cách 2: Mẹ yêu cầu con bịt chặt hai tai, sau đó dùng một tay ấn chặt mũi không có dị vật, thổi thật mạnh vào miệng để dị vật trong mũi bắn ra ngoài. Đây là cách làm logic theo cơ chế khí lưu của mối liên hệ tai - mũi - họng.



Nếu thấy dị vật làm tổn thương mũi bé, dị vật sắc nhọn, dị vật nằm sâu trong hốc mũi, bé đau dữ dội, khó thở, mẹ cần đưa bé đi gặp bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức nhé.


3. Xử lý dị vật rơi vào thực quản


Dị vật thực quản là một trong những tai nạn trẻ dễ mắc phải nhất, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi ăn dặm từ 6 - 12 tháng tuổi. Lý do, trẻ rất hiếu động, thích cầm nắm và gặm, nuốt những vật trong tay, từ thức ăn tới đồ chơi. 



Nếu chẳng may trẻ bị “hóc” mẹ cần bình tĩnh, nhanh trí và xử lý tình huống để tránh tình trạng dị vật rơi sâu vào cổ gây tắc đường thở, ảnh hưởng trầm trọng tới tính mạng của trẻ.



- Trong trường hợp bé bị hóc, mẹ tuyệt đối không ép bé uống nước hay nuốt thức ăn lớn với suy nghĩ giúp dị vật trôi xuống dạ dày nhanh. Việc làm này chỉ càng khiến cho dị vật không những không rơi xuống dạ dày mà còn bị vướng ở cuống họng lâu hơn, cộng thêm thức ăn vừa đưa xuống dẫn tới tình trạng ngạt thở ở bé.



- Mẹ cần soi đèn pin vào cuống họng kiểm tra dị vật là gì, vật mềm hay cứng, lớn hay nhỏ để có biện pháp xử lý hợp lý. Sau đó, trấn an trẻ và nên đưa con đi đến bác sĩ chuyên khoa để xử lý. 



Nếu trẻ có dấu hiệu tím tái, khó thở khi dị vật chặn thực quản, cần bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện các cách sau:



- Cách 1: Vòng tay về phía sau con, một tay giữ ngực trẻ, một tay vỗ từ nhẹ tới mạnh vào vai để tống dị vật ra ngoài. 

- Cách 2: Nếu cách 1 không hiệu quả, các mẹ ngay lập tức áp dụng cách sau: Đứng sau lưng bé hoặc quỳ, vòng tay theo thắt lưng bé. Một tay xác định vị trí rốn, một tay nắm lại và đặt lên ngón tay ấn định vị trí rốn. Sau đó dùng tay xoay và ấn bụng bé lên nhằm tạo áp lực đẩy dị vật ra ngoài.


Trong quá trình thực hiện, hãy nhờ người bên cạnh vỗ lưng bé và gọi cấp cứu để đưa bé đến bệnh viện gấp phòng những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nếu dị vật vẫn chưa ra.



 --------------------------------------------------ST----------------------------------------------------
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments