Cái nhìn của cô giáo mầm non về cách dạy trẻ qua câu chuyện về 2 quả trứng

Monday, May 2, 2016
Tôi là cô giáo mầm non, vừa rồi có việc gia đình nên vào Sài Gòn ở ké nhà cô bạn thân thời đại học 1 tuần. Bạn tôi có một cậu con trai 5 tuổi, qua 1 tuần ở, được chứng kiến cách dạy con của bạn tôi thấy rất tuyệt vời, điển hình là bữa cơm với 2 quả trứng nên quyết định ghi ra đây để bổ sung cho kiến thức sư phạm của mình và để các mẹ khác tham khảo.
Bữa tối đó, người mẹ luộc 2 quả trứng gà lên. Cậu bé con rất thích trứng nên ăn rất nhanh quả trứng của mình, xong nhìn quả trứng còn lại thòm thèm, cậu hỏi:




- Mẹ ơi, sao còn 1 cái trứng của mẹ kìa, mẹ không ăn đi?
- Để chút mẹ ăn
- Con thèm ăn trứng quá, mẹ cho con ăn thêm nửa cái của mẹ nữa nha
- Không được, con đã ăn phần của con rồi, còn đó là phần của mẹ. Để yên! - Mẹ bé đáp đầy cứng rắn
- Đi mà mẹ, cho con ăn đi, con thèm ăn trứng lắm.

Bạn tôi vẫn cương quyết không cho dù nhìn thấy rõ là con mình đang rất thòm thèm. Tôi nghĩ mẹ mìn này thật lạ, nhiều mẹ cầu cho con ăn, còn mẹ này con xin đến rớt nước miếng lại không cho con ăn, sao lại đi căn ke với con từng quả trứng? Hồi sau có một cậu bé khác qua chơi nhìn thấy trứng, đòi ăn và bạn tôi cho thằng bé đó nguyên quả trứng. Thất vọng vì mẹ không cho mình, cậu con trai cúi xuống vừa ăn cơm vừa rơm rớm nước mắt, chắc nó nghĩ mẹ không thương mình. Và bạn tôi đã dạy con như vầy:
- Mẹ biết con thích ăn trứng, nhưng mẹ lại cho bạn khác con giận mẹ không?
- Dạ có giận, chắc là mẹ không thương con nữa.
- Mẹ vẫn luôn thương con chứ, không thương con mình thì thương ai?
- Vậy sao mẹ không cho con trứng?
- Này nhé mẹ hỏi, khi nãy mẹ luộc 2 quả trứng, có 2 mẹ con với nhau thì sao?
- Chia đều mẹ 1 cái, con 1 cái
- Vậy con đã ăn phần con, phần còn lại là của mẹ phải không?
- Dạ phải
- Vậy mình đã ăn xong phần mình có nên dòm ngó đến phần của người khác nữa không?
- Dạ không
- Vậy người khác sử dụng phần của họ thế nào là tùy họ phải không?
- Dạ phải
- Vậy mẹ cho bạn con, người đang không có quả trứng nào ăn, và rất thèm trứng vậy theo con có nên không?
- Dạ, dạ… nên.
- Vậy con có biết vì sao mẹ không cho con ăn trứng nữa không?
- Dạ vì con đã ăn phần của mình rồi. Còn phần của mẹ, mẹ muốn ăn hay cho ai tùy ý, con không được buồn.
- Đúng rồi con, khi mình đã có phần của mình và sử dụng nó rồi. Tất cả chấm dứt, đừng nhòm ngó sang phần của người khác nha, và cũng đừng ý kiến ý cò gì khi họ sử dụng phần của mình ra sao. Chúng ta sống cần phải viết chia sẻ với những người khác nữa, con hiểu không? Đáng lẽ đó là phần của mẹ và mẹ sẽ ăn, nhưng mẹ thấy thương bạn con nên đã nhường phần của mẹ lại cho bạn? Con thấy mẹ tốt bụng không?
- Dạ, tốt.
- Hết buồn chưa, vui vẻ trở lại chưa?
- Dạ rồi
Sau khi nghe mẹ giải thích, thằng bé đã hết giận và vui vẻ ăn cơm trở lại. Sau đó nó còn phụ mẹ dọn bàn, lau bàn nữa. Về phòng, tôi cứ nghĩ mãi đến cách dạy con của bạn mình, thật đáng học hỏi.
Tôi thấy rất nhiều mẹ Việt, luôn chiều và chấp nhận những đòi hỏi của con một cách vô tội vạ, kể khi con sai trái cũng chiều vì sợ tổn thương con, sợ con nằm vạ…. mà trẻ nhỏ, nếu được đằng chân sẽ lân đằng đầu. Ít ai chịu khó nói chuyện cùng con, phân tích cho con thấy những cái sai, cái đúng trong hành động của mình để sửa sai và thay đổi theo hướng tốt hơn. 

Từ câu chuyện của bạn mình, với tư cách là một cô giáo mầm non, tôi cũng xin góp vài lời cùng các mẹ, nếu đọc được bài của tôi, về cách dạy một số kỹ năng ở trẻ tuổi mầm non - thời điểm đặc biệt quan trọng của của trẻ - trẻ học 1 lần và nhớ mãi mãi đi mòn theo tính cách của trẻ :

Không được thỏa hiệp với cái sai của trẻ: Khi trẻ sai, mẹ cần kiên nhẫn phân tích đúng sai cho trẻ hiểu, để từ đó trẻ không mắc phải sai lầm nữa. Tuyệt đối không thỏa hiệp với bất cứ yêu cầu hay hành động gì của trẻ. Nếu trẻ đòi không được, lăn ra ăn vạ bạn cứ phớt lờ đi trẻ sẽ không lặp lại điều đó trong lần sau.

Dạy trẻ biết có trách nhiệm với hành động của mình: Ở tuổi từ 3 – 5 trẻ đã có nhận thức, biết phân biệt đúng sai do đó khi trẻ làm sai ba mẹ cần dạy trẻ cách chịu trách nhiệm với hành động của mình. Hãy cho trẻ hiểu rằng, trẻ cũng như tất cả mọi người, khi phạm sai lần thì sẽ phải trả giá.

Dạy trẻ biết thương yêu và sẻ chia: Ở độ tuổi nhỏ các mẹ đừng nghĩ con chỉ biết ăn, chơi không biết suy nghĩ, thật ra là có đấy. Trẻ rất nhạy cảm nên rất biết quan tâm và sẻ chia với người khác nếu bạn cho trẻ biết đó là điều đúng, là cần thiết và khuyến khích trẻ nên làm.

Dạy trẻ nói xin lỗi và cảm ơn: Đây là phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp giữa người và người với nhau. Mẹ hãy dạy trẻ khi mình làm điều sai cần phải xin lỗi và khi ai đó là điều tốt cho mình hãy nói lời cảm ơn. Dạy điều này từ nhỏ sẽ hình thành thói quen tốt ở trẻ khi lớn lên.

Tập cho trẻ làm những việc nhỏ và tuyệt đối đừng làm thay cho trẻ: Ở tuổi 3 – 5 trẻ đã biết làm rất nhiều việc, do vậy mẹ hãy mạnh dạn giao việc cho con, đừng nghĩ con còn nhỏ không biết làm gì. Thực ra trẻ có thể làm tốt các việc vặt như phụ mẹ dọn bàn trước và sau khi ăn, tưới cây, xếp quần áo…. Khi trẻ làm không đúng thì mẹ hãy nhẹ nhàng chỉ dạy trẻ, tuyệt đối đừng thấy “chướng mắt” và làm thay trẻ nhé!
Nguồn sưu tầm
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments