Phạt trẻ như thế nào để trẻ hiểu - trẻ thấm- trẻ không tái phạm nữa

Thursday, June 30, 2016

Phạt trẻ nhẹ nhàng mà hiệu quả có bao giờ bạn nghĩ đến?


Trẻ hư tất nhiên là người lớn hơn ta sẽ phải phạt trẻ. Nhưng phạt trẻ như thế nào để trẻ hiểu, trẻ thấm và sau này không còn tái phạm nữa lại là một điều không hề giản đơn. Trẻ ở lứa tuổi mầm non luôn luôn có sự tò mò, khám phá nhưng rất ương và ngang bướng. Hiểu được tâm lý của trẻ và cho trẻ thời gian suy nghĩ những việc mình đã làm là rất cần thiết. Dưới đây là một vài cách phạt trẻ vô cùng nhẹ nhàng và hiệu quả. Mẹ cũng có thể trò chuyện với cô giáo mầm non để tìm ra phương pháp thích hợp nhất nhé.
Giáo dục Việt Nam đang bước vào thời kỳ chuyển giao, luôn tồn tại cũ và mới trong một gia đình. Cha mẹ hiện đại, ông bà truyền thống những đứa con chịu sự ảnh hưởng trực tiếp của nền giáo dục được giao thoa giữa hai thế hệ trong gia đình.
“Yêu cho roi cho vọt” là câu nói về dạy con của ông cha ta để lại, nhưng trong hoàn cảnh ngày nay việc yêu thương không đi liền với roi vọt làm bố mẹ rất đau đầu trong việc làm sao để phạt con mà không bị bản thân giày vò, xã hội lên án


1.Time - out:


-Là việc cách ly trẻ hay phạt bé úp mặt vào tường trong khoảng thời gian ngắn, là hình thức phạt không cần la mắng hay dùng đến roi vọt và rất hiệu quả.
Phụ huynh ngày xưa cũng đã được nếm mùi “đứng xó” ở ngay tại nhà hoặc lớp học, việc áp dụng hình phạt này cho trẻ vẫn rất hay và nguyên giá trị. Đối với hình phạt này cha mẹ nên phạt trẻ đứng góc từ 5 – 15 phút theo độ tuổi. Ví dụ đối với trẻ 4 tuổi thời gian đứng góc của con là 4 phút, tùy theo tuổi mà tăng giảm số phút. Hình phạt đứng chỉ nên áp dụng 1 lần/ 1 ngày cho con.
Ngoài  việc bắt con đứng góc, cha mẹ có thể phạt con đứng trong phòng kín hoặc một nơi yên tĩnh an toàn để con suy nghĩ về sai lầm của mình.
Chị Kiều Anh - một bà mẹ gốc Việt sống tại Mỹ có hai con gái nhỏ 5 tuổi và 3 tuổi. Mỗi khi hai bé không vâng lời mẹ, khóc lóc, mè nheo hay bướng bỉnh, thay vì dùng roi vọt đánh con, chị thường phạt con bằng cách cho mỗi bé ngồi yên ở một góc riêng biệt trong vài phút để bé tự bình tĩnh trở lại, chấm dứt hành vi xấu.

Chị chia sẻ: hình thức phạt time-out (tương tự ở Việt Nam là cách ly hay bắt bé úp mặt vào tường trong một thời gian ngắn) khiến chị cảm thấy nhẹ nhàng cho cả 3 mẹ con vì không hề phải la mắng, quát nạt hay sử dụng roi vọt, ngược lại hình thức phạt này lại hữu ích đối với các con chị khi giúp các bé trở nên biết tự chủ hơn, có tính kỷ luật và chấm dứt các hành vi xấu.

Được biết, hiện nay có nhiều bậc phụ huynh sử dụng time-out như một hình phạt nhẹ nhàng mà hiệu quả cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, nhưng khi thực hiện time-out đối với trẻ, có một số điều các bậc phụ huynh cần lưu ý như sau:

Tại sao time-out cần thiết cho trẻ?

Trẻ nhỏ thường dễ bị cuốn vào những gì đang xảy ra xung quanh khiến chúng khó kiểm soát bản thân và giữ bình tĩnh. Đôi khi chúng la hét, mè nheo, ăn vạ, đấm đá, cắn cào, tỏ ra bướng bỉnh dai dẳng với mục đích cuối cùng là cha mẹ phải thỏa mãn yêu cầu của chúng. Lúc này, time-out sẽ là một cách để giúp chúng bình tĩnh trở lại, chấm dứt hành vi xấu để chuyển sang cách ứng xử thích hợp hơn.
Sử dụng time-out thường xuyên, đúng lúc và kiên nhẫn sẽ giúp làm suy giảm các hành vi xấu ở trẻ, mặc khác giúp trẻ trở nên tự chủ, có kỷ luật hơn. 

Nên sử dụng time-out cho lứa tuổi nào?

Theo lời khuyên của nhiều chuyên gia, time–out thích hợp cho trẻ trong độ tuổi từ 2-5 tuổi. Dĩ nhiên có thể sớm hay muộn hơn một chút tùy theo từng trẻ. Thời gian áp dụng time-out tùy thuộc vào tuổi của trẻ, mỗi phút cho mỗi năm tuổi của bé. Trẻ 2 tuổi, cha mẹ có thể phạt trẻ 2 phút, tương tự 3, 4, 5 phút cho trẻ 3, 4, 5 tuổi. 

Góc phạt time-out

Góc phạt time-out có thể là bất kỳ nơi nào an toàn trong nhà, yên tĩnh, cô lập và nên là những chỗ cố định để khiến trẻ biết chính xác chúng sẽ bị phạt như thế nào, ở đâu mỗi khi phạm lỗi.
Nơi phạt time-out cần dễ dàng cho cha mẹ theo dõi và giám sát trẻ và khi bị phạt trẻ phải yên lặng, tách biệt khỏi những sở thích, hoạt động của chúng như xem ti-vi, chơi đùa, đọc sách…
Chị Như Mai (Q.7, TP.HCM) cho biết nhà chị có cái ghế được đặt tên là “ghế hư”, thường đặt trong góc cầu thang, mỗi khi bé Tuấn 3 tuổi không vâng lời, chỉ cần mẹ nói “ghế hư” là cháu biết phải đến ngồi im trong góc cầu thang đến khi mẹ cho phép đứng dậy mới thôi.

Một số lưu ý khác về time-out

Trước khi phạt trẻ, cha mẹ cần thỏa thuận với trẻ trước khi nào chúng sẽ bị phạt, chẳng hạn có hành vi đánh, cắn người khác, mè nheo, ăn vạ, nghịch phá… Cha mẹ cần lựa chọn và giới hạn một số hành vi cụ thể, không nên quá sa đà và áp dụng time-out cho quá nhiều hành vi của trẻ dẫn đến việc suốt ngày trẻ bị phạt time-out khiến hình thức phạt trở nên nhàm chán, mất tác dụng.
Một đồng hồ bấm giờ sẽ cần thiết để nhắc nhở cha mẹ. Trong khi bị phạt, nếu trẻ rời khỏi chỗ phạt, điều cha mẹ cần làm là không nói gì hết, chỉ im lặng, đưa trẻ về chỗ phạt và tính giờ lại từ đầu. Nếu trẻ tè dầm, quẳng đồ đạc, giả vờ nôn ọe… tất cả chỉ để khiến phụ huynh phản ứng và nếu không có gì nguy hiểm, cha mẹ tốt nhất là nên làm ngơ những hành vi này.
Điều quan trọng là  phụ huynh cần bình tĩnh khi áp dụng hình thức phạt này đối với trẻ. Phụ huynh càng bình tĩnh thì hiệu quả của time-out càng cao và đặc biệt chỉ nên tính giờ phạt khi trẻ đã thực sự bình tĩnh, thôi la hét, khóc lóc.

Tóm lược các bước áp dụng time-out cho phụ huynh
1. Cảnh báo trẻ trước khi áp dụng time-out lần đầu.

2. Khi trẻ vi phạm, không nói thêm điều gì chỉ nói rằng bé bị phạt tường hay bị cách ly.

3. Hẹn giờ phù hợp.

4. Giám sát trẻ thực hiện hình phạt.

5. Không chơi đùa, nói chuyện với trẻ trong thời gian trẻ bị phạt.

6. Làm ngơ khi trẻ nói chuyện hay muốn lôi kéo sự chú ý của cha mẹ.

7. Khi chuông hẹn giờ reo, nhắc và yêu cầu trẻ lập lại lý do trẻ bị phạt.

8. Yêu cầu trẻ xin lỗi (nếu cần) hay hứa không tái phạm.

9. Khen ngợi, động viên, khích lệ khi trẻ chấp hành tốt hình phạt.

10. Áp dụng hình thức phạt nhất quán, kiên nhẫn và nghiêm túc.
.
Ngoài hình phạt trên hãy cùng tham khảo những hình phạt hay và có thể áp dụng ngay cho trẻ khi mắc lỗi mà ta chưa cần sử dung đến biện pháp mạnh tay là dùng đòn roi với trẻ. 
1.Hình phạt – khoảng chờ sau mỗi lần tức giận
Trẻ con chưa có kinh nghiệm kiểm soát bản thân, hành động còn mang cảm tính rất lớn. Khi xảy ra mâu thuẫn, xô xát với bạn bè anh em dù trẻ đúng hay sai việc bố mẹ can thiệp và bắt con hành xử theo cách của người lớn đều đem lại cảm giác khó chịu và không phục ở trẻ. Trong trường hợp này bố mẹ dành cho con một khoảng chờ nhất định bằng việc phạt con ngồi yên một chỗ để suy nghĩ về hành động của mình sau đó mới phân xử sẽ khôn ngoan hơn việc giải quyết ngay tức khắc.
Hình phạt này khá nhẹ nhàng nhưng lại hiệu quả rõ rệt trong tình huống này.
2.Phạt con làm việc nhà 
Việc này nên áp dụng ngay khi con mắc lỗi như làm đổ sữa ra sàn nhà, vứt đồ đạc lung tung…Hãy phạt con dọn ngay “bãi chiến trường” mà con bày ra, giúp con nhận thức được bản thân là người phải dọn dẹp khi bày bừa chứ không  phải là bố mẹ. Ngoài ra nó còn dạy trẻ có ý thức và trách nhiệm trong khi chơi và rất nhiều đức tính tốt đẹp khác. Làm việc nhà không chỉ là hình phạt còn là biện pháp giáo dục rất hay rèn rũa cho con những đức tính tốt đẹp sau này. 
3.Phạt con đọc sách và chép phạt
Khi bé mắc lỗi thích dùng bạo lực, nói dối, lấy đồ của người khác. Khi trẻ mắc những lỗi này, nghĩa là con bạn đang rất gần với ranh giới của một đứa trẻ hư. Và việc đánh chửi con chỉ càng đẩy con bạn đến gần hơn ngưỡng hư hỏng mà thôi.
Hãy yêu cầu con phải đọc hết một cuốn sách mà bạn chọn, thường là những cuốn sách mang tính chất giáo dục. Sau đó con phải chép phạt 1 câu hoặc 1 đoạn ý nghĩa nào đó trong cuốn sách. Theo các nhà tâm lý, việc đọc sách và chép phạt sẽ giúp điều chỉnh tâm lý và hành vi của trẻ rất tốt.
4.Hình phạt của cô tấm
Khi bé mắc lỗi không nhẫn nại, làm việc, học giữa chừng thì bỏ dở. Nếu con bạn mắc lỗi này, hãy phạt con bằng cách trộn lẫn 2 loại đậu khác nhau vào một bát to. Sau đó yêu cầu con phải nhặt riêng từng loại đậu ra 2 bát khác nhau. Đây chính là một cách phạt con khoa học cực hay giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn.
5.Cấm làm thứ trẻ thích
Mẹ có thể áp dụng hình phạt này khi bé không đánh răng, kén ăn, vứt đồ linh tinh… Bạn nên áp dụng hình thức phạt này để con hiểu rằng, khi con không hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, thì con cũng không được phép làm những điều mình thích. Hãy phạt cho đến khi nào con có ý thức hoàn thành công việc của mình.
6.Tịch thu những món đồ yêu thích
Khi bé mắc lỗi vứt đồ lung tung, không thu đồ chơi sau khi chơi xong. Hãy phạt con bằng cách này để con biết rằng, những món đồ mình yêu thích thì phải biết giữ gìn và nâng niu. Nếu con không biết giữ gìn thì con cũng không được phép chơi những món đồ đó.
Phụ huynh hãy cũng cô giáo mầm non trên lớp của con để giúp con ngoan và phát triển hết khả năng của bản thân nhé ^^!

 Nguồn sưu tầm
Chia sẻ bài viết ^^
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments