CHẾ ĐÔ NGHỈ THAI SẢN NĂM 2016 mới nhất có hiệu lực từ ngày 1/1/2016

6:26 PM |
Các mẹ có biết về điều kiện hưởng, thời gian hưởng, mức hưởng chế độ thai sản, hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ hưởng chế độ thai sản như thế nào không?
Nhóc con của mẹ sẽ giúp các mẹ  tìm hiểu kỹ càng hơn về CHẾ ĐÔ NGHỈ THAI SẢN NĂM 2016 mới nhất có hiệu lực từ ngày 1/1/2016
– Kể từ ngày 1/1/2016 theo Luật BHXH – Luật số 58/2014/QH13 và Nghị định 115/2015/NĐ-CP:
– Căn cứ theo Mục 2 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ lao động thương binh xã hội. Có hiệu lực từ ngày 15/02/2016 quy định cụ thể đối với chế độ thai sản như sau:
Lưu ý: Bài viết này mình chỉ tổng hợp các quy định đối với Lao động nữ sinh con, nhận nuôi con. Còn Chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ thì các bạn xem tại: Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
1. Điều kiện hưởng chế độ thai sản:
A. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Lao động nữ mang thai;
– Lao động nữ sinh con;
– Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
– Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
– Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
– Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
Chú ý:
– Các trường hợp: Lao động nữ sinh con; Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi. => Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
– Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
-> Người lao động đủ 2 điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định
– Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
+) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
+) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng BHXH thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Ví dụ: Chị A sinh con ngày 18/01/2017 và tháng 01/2017 có đóng BHXH, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 02/2016 đến tháng 01/2017, nếu trong thời gian này chị A đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị A được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Ví dụ: Tháng 8/2017, chị B chấm dứt hợp đồng lao động và sinh con ngày 14/12/2017, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017, nếu trong thời gian này chị B đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị B được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
B. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng dẫn cụ thể như sau:
– Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH thì cha phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
– Đối với người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.
2. Thủ tục hồ sơ hưởng chế độ thai sản:
a. Đối với lao động nữ sinh con, gồm:
– Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
– Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản Mẫu số C70A-HD (theo Quyết định số 919/QĐ-BHXH ngày 26/8/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam)
Các trường hợp dưới đây, DN cũng phải có 2 mẫu là: Mẫu C70A-HD và Mẫu D02-TS (giống như phần a này)
b. Đối với lao động nữ đi khám thai, sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo quy định gồm:
– Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.
c. Đối với người lao động nhận nuôi con nuôi, gồm:
– Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải có giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
d. Trường hợp con chết, mẹ chết gồm:
– Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết
– Bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
– Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
e. Trường hợp nghỉ dưỡng sức:
– Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
– Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai.
f. Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con:
– Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con và giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
3. Trình tự Giải quyết hưởng chế độ thai sản:
1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động.
– Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH.
3. Trách nhiệm giải quyết của cơ quan BHXH:
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.
4. Thời gian hưởng chế độ thai sản:
a. Thời gian hưởng chế độ khi khám thai:
– Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.
b. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
– Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
c. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con:
– Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Lưu ý: Trong thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh mà thai chết lưu, nếu lao động nữ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật BHXH thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ quy định tại Điều 33 của Luật BHXH tính từ thời điểm thai chết lưu.
Ví dụ: Chị C liên tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 3 năm, mang thai đến tháng thứ 8 thì nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, một tháng sau khi nghỉ việc thì thai bị chết lưu. Như vậy, chị C ngoài việc được hưởng chế độ thai sản cho đến khi thai chết lưu, còn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng tối đa không quá 50 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
c.1, Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
– 05 ngày làm việc;
– 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
– Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
– Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
c.2. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
d. Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi
– Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.
e. Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai
– Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a) 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;
b) 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
f. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
– Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
– Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
– Trước năm 2016 mức lương cơ sở là: 1.150.000, từ ngày 1/5/2016 tăng lên: 1.210.000đ/tháng (Theo Nghị quyết 99/2015/QH13)
Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
5. Mức hưởng chế độ thai sản:
– Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn.
– Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Ví dụ: Chị C sinh con vào ngày 16/3/2016, có quá trình đóng BHXH như sau:
– Từ tháng 10/2015 đến tháng 01/2016 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;
– Từ tháng 02/2016 đến tháng 3/2016 (2 tháng) đóng BHXH với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.
=> Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị C được tính như sau:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc = (5.000.000 x 4) + (6.500.000 x 2)/6 = 5.500.000 (đồng/tháng)
Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị C là 5.500.000 đồng/tháng.
Ví dụ: Chị D sinh con ngày 13/5/2017 (thuộc trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền), có quá trình đóng BHXH như sau:
– Từ tháng 5/2014 đến tháng 4/2016 (24 tháng) đóng BHXH với mức lương 8.500.000 đồng/tháng;
– Từ tháng 5/2016 đến tháng 8/2016 (4 tháng) đóng BHXH với mức lương 7.000.000 đồng/tháng;
– Từ tháng 9/2016 đến tháng 4/2017 (8 tháng), nghỉ dưỡng thai, không đóng BHXH.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị D được tính như sau:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc = (7.000.000 x 4) + (8.500.000 x 2)/6 = 7.500.000 (đồng/tháng)
Như vậy: Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị D là 7.500.000 đồng/tháng.
Kết luận: Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi thì mức hưởng như sau:
– Trợ cấp 1 lần: 2 x 1.150.000 (Từ ngày 1/5/2016 sẽ tăng lên 1.210.000).
– Mức hưởng 6 tháng = 100% mức bình quân đóng BHXH 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc.
– Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng như trên, trường hợp có ngày lẻ thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
– Mức hưởng một ngày đối với chế độ khám thai và Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH
6. Dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản:
– Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.
– Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
– Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
– Lao động nữ đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm nào thì thời gian nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính cho năm đó.
Ví dụ: Chị Th đang tham gia BHXH bắt buộc, ngày 15/12/2016 trở lại làm việc sau thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con, đến ngày 10/01/2017 do sức khỏe chưa phục hồi nên chị Th được cơ quan giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày.
– Trường hợp chị Th được nghỉ việc hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 05 ngày và thời gian nghỉ này được tính cho năm 2016.
Mức hưởng:
– Một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Trên đây là tổng hợp chế độ thai sản đối với lao động sinh con và nhận nuôi con, chi tiết các trường hợp khác, các bạn có thể xem chi tiết tại Luật Bảo hiểm xã hội – Luật số 58, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016)
Nguồn:moet.gov.vn

Điểm văn của học sinh lớp 10 khiến thế gian phải suy nghẫm

1:29 AM |

“Cô sẽ ghi vào nhật ký đời đi dạy của mình về bài viết này với thật nhiều cảm xúc. Cô cảm ơn em”.

Đó là lời chia sẻ rất tình cảm của cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Châu dành cho Nguyễn Thị Cúc - học sinh lớp 12/11 - trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng).
Bài viết được thực hiện bởi đề bài: “Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng bạo lực gia đình trong xã hội hiện nay”.
Trong phần chấm điểm, cô Châu nhận xét: “Bài viết đáp ứng được yêu cầu của đề bài, giàu sự sáng tạo, có nhiều ý sâu sắc, thể hiện sự trưởng thành trong suy nghĩ và nhận thức xã hội. Còn mắc lỗi diễn đạt, chính tả nhưng không nhiều".
Cô giáo Châu đã chấm điểm bài văn được chấm “9+1=10” bởi lý giải: “Bài viết còn mắc lỗi về chính tả nên tôi cho 9 điểm, nhưng lại cộng thêm 1 điểm về sự sáng tạo, độc đáo, mới lạ”. Được biết, đây cũng là điểm 10 đầu tiên cô Châu chấm trong suốt 15 năm dạy học.
Sau đây bài văn của học sinh Nguyễn Thị Cúc được cô giáo Nguyễn Thị Châu – giáo viên dạy Văn trường THPT Nguyễn Trãi (Đà Nẵng) chia sẻ với blog
bài văn của học sinh lớp 10

"Sao anh lại đánh em thế này... đừng đánh em nữa anh ơi!"
Mới chiều hôm qua đây thôi, trên đường đi học về tôi gặp một cảnh tượng thật đau lòng, một người đàn ông đánh tới tấp vào mặt, lưng một người phụ nữ. Vừa cố chống chọi với cơn khát bạo hành của chồng, chị vừa khóc lóc van xin: "Sao anh lại đánh em thế này... đừng đánh em nữa anh ơi!". Tôi hơi sững người, nhưng cũng không lấy làm lạ vì đã từng chứng kiến cảnh như thế này nhiều lần. Ấy thế mà lâu nay tôi lại nghe người ta nói rằng: "Gia đình là nơi để yêu thương".
Đã trôi qua một khoảng thời gian khá dài tôi đã sống, đã làm, đã ra đi... và tìm tòi những minh chứng cho điều mình nghe thấy. Thế rồi, lại đắng lòng biết mấy, khi tôi chợt nhận ra thời gian càng quay nhanh thì tình người cũng dần tan biến. Cuộc sống vô tâm làm nguội lạnh tình cảm trong trái tim mỗi người. Xã hội đổi thay và lòng người cũng dần thay đổi, mọi tính toán thiệt hơn trong cuộc sống làm mất đi những vẻ đẹp tự nhiên vốn có, hạnh phúc thì ít nhưng đắng cay lại nhiều, bao nhiêu mảnh đời bất hạnh vì cuộc sống gia đình không hòa thuận, thậm chí tan vỡ, và những hiểm nguy luôn rình rập... Tôi cười gượng: “Đấy! Một thảm họa hay nghịch cảnh trần gian?” Quá xót xa, tôi căm ghét và lên án những hành động tàn ác này - bạo lực gia đình.
Ở cõi vô thường này mấy ai còn lạ lẫm với khái niệm “bạo lực gia đình”, nó đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong chính cuộc sống của mỗi người chúng ta. Bạo lực gia đình, một cụm từ ngắn gọn, chỉ cho những hành động độc ác, vô nhân tính, vô đạo đức, không còn nhân phẩm của một số người trong xã hội, hành vi đó xảy ra trong phạm vi gia đình, giữa các thành viên với nhau. Không những ở Việt Nam nói riêng mà nó bao gồm cả toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia thuộc Châu Phi. Hằng năm trên thế giới, số người chết và bị thương vì loại tệ nạn này không ngừng tăng lên. Thật đau đớn biết bao cho những điều chúng ta đã thấy. Và tôi nghĩ, có hay không? Ở đâu? Cho tôi xin hai chữ công bằng.
Gần đây, nổi cộm trên các sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng là các vụ thương tâm về bạo hành trẻ nhỏ khiến người xem không ngừng suy nghĩ. Cách đây vài ngày, dư luận người Việt không khỏi xôn xao và cảm thương cho cháu bé 15 tháng tuổi ở TP.HCM bị chính cha mẹ mình đánh chấn thương sọ não. Một sự thật ngỡ ngàng khiến người xem bất bình khi thủ phạm lại quá thản nhiên cho rằng đó là “chuyện bình thường”. Tôi như nghẹn ứ lồng ngực khi nghe người mẹ trả lời câu hỏi của phóng viên nhà báo: “Nó bị té xe mà!”. Một lời nói lạnh lùng tới tận xương tủy, tôi tê buốt thân mình, đấy cũng gọi là mẹ sao? - người mang nặng chín tháng mười ngày, tôi tự hỏi. Hình như là tôi đang khóc, nhưng nước mắt tôi không rơi... là vì tôi đang lo cho số phận, cho tương lai mịt mù của đứa trẻ này.
Cùng trên tuyến đường chạy dọc vào miền Nam yêu quý, quanh năm ruộng đất tốt tươi, cò bay thẳng cánh, vẫn còn hiện lên trên nét mặt của mỗi người dân Hậu Giang thôn quê nghèo một nỗi bang hoàng như cắn xé tâm can khi được ai đó hỏi về chuyện cậu học sinh cấp 1, N.V.T bị cha và mẹ kế đánh gãy xương sườn, nhốt vào chuồng chó 3 ngày không cho ăn. Nói đến đây tôi không còn kìm lòng mình được nữa, sự chua chát phủ lên trong từng hơi thở của mình. Tôi tự hỏi tại sao lại thế? Những người làm cha mẹ đó liệu họ có cảm thấy đớn đau khi hành hạ con cái mình không? Hay vì do em lỡ mang số kiếp con riêng để “đến đây” làm người?
Chuyện của những thiên thần nhỏ chỉ là một nốt trầm trong bản nhạc bạo lực bay bổng, còn những nốt cao luôn vút lên với biết bao bi kịch. Hạnh phúc gia đình vỡ tan, con cái gặp nhiều bất hạnh... Sinh ra với thân phận phụ nữ ai không mong gặp được người chồng yêu thương mình. Cảnh cuộc sống hạnh phúc viên mãn luôn là niềm ước ao của bao cô gái trẻ. Khi tình yêu thăng hoa, niềm vui ấy sẽ dần lớn theo năm tháng nhưng có ngờ đâu nó lại trở thành địa ngục. Tình yêu trên đời vốn là ích kỉ, nhưng sự độc đoán, cổ hủ lại khiến con người ta trở nên vô cảm, một khi sự ghen tuông nổi dậy thì tình yêu đẹp đó dù được xây dựng trong bao nhiêu năm cũng trôi vào tro bụi. Đấy là tình cảnh chung của bao chị em phụ nữ đang phải gánh chịu.
Chuyện chị H. ở Nghệ Tĩnh là một minh chứng nóng lên cho hành vi này. Vì quá ghen tuông theo kiểu mù quáng, người chồng hiền từ đức độ bao nhiêu năm chung sống đã không có cảm giác run sợ khi dùng dao xẻo thịt vợ. Một hành động man rợ đến kẻ điên cũng phải khiếp sợ. Tôi thường nghe mấy anh thi nhân vẫn hay ví von rằng “phụ nữ như đóa phù dung”. Nói đến phụ nữ ai cũng nghĩ ngay đến sự hiền lành, đức độ, mỏng manh và xinh đẹp, đòi hỏi ai có được cũng phải nâng niu và bảo trọng. Nhưng cuộc đời thì nào như tác phẩm văn học, còn lắm những đắng cay, tủi hờn mà biết bao “đóa phù dung” phải chịu.
Hôm qua tôi đọc báo, lang thang trên các dòng tin mạng, tôi thấy tái tê cõi lòng khi đọc tin một chị tên H. ở Nam Định bị chồng đánh đập, hành hạ dã man, dùng kim tiêm đâm vào vùng kín. Người đàn ông vũ phu ấy còn bắt vợ mình ăn phân lợn... bây giờ khuôn mặt chị đã biến dạng qua nhiều đòn tra tấn dã man của chồng. Trước cơ quan chức năng chị chỉ ngậm ngùi khóc trong đớn đau và tức tưởi: “Là vì con, nếu tôi ra đi con tôi ba đứa nheo nhóc làm sao qua cảnh cơ hàn...”. Lại thêm một mảnh đời bất hạnh. Cuộc sống nào cho chị hạnh phúc đây? Con đường nào sẽ mang lại tình yêu và tiếng cười cho chị và các con, vẫn là một ẩn số thật dài...
Tạm gác lại những câu chuyện bạo hành gia đình của nước mình, mới đây trên trang mạng xã hội Facebook có một người đàn ông nickname là Phi Nhi. Người đàn ông này đã đánh đập đứa con 2 tuổi rồi khoe trên trang cá nhân của mình. Sự hận thù người vợ lố lăng đã khiến ông trở nên tàn độc với mọi thứ, kể cả đứa con nhỏ bé. Ông đánh con mọi lúc, mọi nơi có thể. Nhìn cậu bé qua những bức hình với thân mình bầm tím, máu me đầy người... nhưng lại được chính bố mình đăng tải trên mạng mà lòng se xót.
Những vụ việc trên là minh chứng hết sức rõ ràng cho vấn nạn này, nó đem lại quá nhiều tác hại cho cuộc sống. Bạo lực gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của con người, gây hoang mang và sợ hãi, nghiêm trọng hơn nó có thể dẫn đến cái chết hoặc gây nhiều thương tích.
Bên cạnh đó nó còn gây tổn hại về mặt kinh tế. Nhiều người vẫn thắc mắc, đặt ra câu hỏi tại sao lại xảy ra điều đó, tôi cũng chưa hiểu hết được những lí do đó, vì nó có quá nhiều và mỗi bản thân chúng ta phải tự rút ra cho mình một nhận xét. Nhưng dù có bao rộng thế nào thì rồi nó cũng xoay trong vòng xoáy của tình yêu, lòng hận thù, sự khốn khó của cuộc sống. Bởi vậy xin những ai đang sống và đang mắc trong vũng bùn lầy tội lỗi thì hãy bước ra khỏi, hãy quay trở lại, hãy xóa hết những lỗi lầm. gạt bỏ hết những đớn đau, hãy sống vị tha bằng tình yêu thương cao cả để xây dựng một cuộc sống mới đầy niềm vui và tiếng cười hạnh phúc.
Trong thâm tâm mình, tôi rất phẫn nộ và muốn lên án vấn nạn bạo lực gia đình. Tôi muốn tìm lại hai tiếng công bằng cho cuộc sống của những người đang bị hành hạ, ngược đãi. Tôi muốn xã hội hãy bắt giữ hết những tên tội phạm này và xét xử thật nghiêm khắc. Tôi muốn mình được là một ai đó, đem tiếng nói sức tài bé mọn của mình để chung tay với cộng đồng ngăn chặn và xóa bỏ tệ nạn này trong cuộc sống. Và điều cuối cùng tôi mong muốn là dù cho những người phạm tội đó đã từng là ai, họ đã từng gây ra tội lỗi gì thì khi quay trở lại với cuộc sống xin mọi người hãy đón nhận, để họ được sống trong tình yêu thương, để hoàn lương làm một người tốt.
Qua mỗi câu chuyện là một bài học kinh nghiệm, là nỗi khát khao cầu mong sự bình yên trong cuộc sống. Qua đây, tôi được trải lòng mình sau những thực hư ẩn trong nhiều bài báo, những chuyện được nghe. Còn bạn thì sao? Bạn đã hiểu và rút ra bài học gì chưa? Tôi chợt nhận ra rằng, từ nay mình cần bỏ đi những thói hư ích kỉ, những hờn giận nhỏ nhen. Hãy yêu thương nhiều hơn nữa để cho cuộc sống lại có thêm một màu sắc mới của tình thương và tình người.
Khép lại nỗi đau còn hằn trên thân xác của những nạn nhân bạo lực gia đình, gạt đi những dĩ vãng ngập những màu buồn của sự sợ hãi. Xin hãy chung tay thắp lên những ngọn lửa tin yêu trong lòng mọi người, để mỗi ngày qua đi là mỗi ngày hoan hỉ trong niềm vui, hạnh phúc, và vấn nạn bạo lực gia đình mãi chỉ còn đọng lại với thời gian, để niềm vui trở về bên bàn cơm nhỏ, để tương lai rực sáng trong đôi mắt trẻ thơ và để đạo lí mà cha ông ta đã dạy mãi được lưu truyền".

Những dấu hiệu " KHÔNG HỀ XEM NHẸ" của bé từ 1 ngày tuổi đến 356 ngày tuổi

7:38 PM |

“ Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn biết ngủ học hành là ngoan”
Mỗi bước đi của trẻ các mẹ thật lo lắng xem trẻ có phát triển bình thường hay không? Có vấn đề gì đáng lo ngại không?
Và làm thế nào để biết nhóc con có những biểu hiện bất thường theo từng tháng tuổi…
Nhóc con của mẹ xin đưa ra một vài tham khảo cho các mẹ để tâm nhé ^^!


1. Giai đoạn từ 0 - 4 tháng tuổi:
- Trẻ gặp khó khăn trong việc cử động mắt hoặc mắt lé thì nên đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám và can thiệp sớm tránh để tình trạng đáng tiếc xảy ra với bé yêu của bạn.
- Trẻ không hề phản ứng với mọi tiếng ồn lớn. Đây có thể là dấu hiệu cho biết bé đang gặp các vấn đề về tai hoặc cũng có thể do phản xạ của bé gặp vấn đề. 
- Trẻ 2 tháng tuổi không tự nhận thức được bàn tay của mình.
- Trẻ 3 tháng tuổi không có biểu hiện dõi mắt theo các đồ vật chuyển động, đồ chơi treo trên nôi và không dùng tay nắm lấy đồ vật.
- Trẻ 3 tháng tuổi nhưng không thể ngẩng cao đầu. Điều này chứng tỏ bé đang gặp một vấn đề nào đó về sức khỏe. 
- Trẻ 4 tháng tuổi không có khả năng bắt chước, bập bẹ, ê... a... theo âm thanh.
- Trẻ 4 tháng tuổi nhưng không có khả năng đưa đồ vật lên miệng. 
- 4 tháng tuổi mà bé vẫn không chịu đạp chân xuống bề mặt cứng.



2. Giai đoạn từ 5 - 7 tháng tuổi
- Các cơ bị căng, cơ thể bé khó cử động.
- Cơ thể bé mềm nhũn.
- Đầu của trẻ thường ngửa ra sau khi ngồi.
- Bé chỉ dùng được 1 tay để với đồ vật. 
- Trẻ không thích ôm ấp. Có thể trẻ không thích người lạ nhưng nếu bé không thích người thân ôm ấp điều này chứng tỏ bé đang gặp vấn đề hoảng sợ nào đó hoặc bị đau ở đâu đó. Vì thế, nên đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ hỗ trợ.
- Bé nhạy cảm với ánh sáng và khóc dai dẳng thường xuyên.
- Trẻ gặp khó khăn khi đưa vật gì đó lên miệng. 
- Trẻ 5 tháng tuổi có biểu hiện không thể lật người theo hình tròn ở các hướng khác nhau. 
- Trẻ 6 tháng tuổi không có khả năng tự ngồi ngay cả khi có người giúp đỡ.
- Bé không thể la hét và phát ra âm thanh lớn vào tháng thứ 6.

3. Giai đoạn 12 tháng tuổi
- Trẻ không có khả năng tự bò hoặc gặp khó khăn trong việc bò.
- Trẻ gặp khó khăn trong việc tập đứng ngay cả khi có sự hỗ trợ của người khác.
- Trẻ không có hứng thú hoặc không tìm đồ vật được giấu đi.
- Gặp khó khăn trong việc tập nói, không thể nói được những từ đơn giản.
- Bé không thể giao tiếp bằng cử chỉ khi muốn nói là "không" thích cái gì đó.
- Gặp khó khăn trong việc nhận diện đồ vật và tranh ảnh.
- Trẻ 18 tháng tuổi nhưng chưa thể tự đi được những bước chập chững.

4. Giai đoạn 36 tháng tuổi
- Trẻ thường xuyên té ngã hoặc gặp khó khăn khi lên cầu thang.
- Trẻ nói ngọng, nói không rõ ràng và thường xuyên chảy dãi.
- Trẻ không thể tự xếp hình tháp có nhiều tầng.
- Bé không thể điều khiển, cầm nắm được các đồ vật có kích thước nhỏ.
- Bé không thể vẽ được hình tròn theo hướng dẫn.
- Không nói được những câu ngắn.
- Không hiểu được các hướng dẫn đơn giản nhất.
- Không thích những đứa bé khác.
- Bé ngại giao tiếp bằng mắt và không thích đồ chơi.

5. Giai đoạn 24 tháng tuổi
- Trẻ chưa thể nói được 15 từ.
- Trẻ gặp khó khăn trong việc phát âm câu có 2 từ trở lên.
- Trẻ chưa thể bắt chước hành động của người khác hoặc câu mà người lớn nói.
- Gặp khó khăn trong việc bắt chước các thao tác được người lớn hướng dẫn. 
- Không có khả năng đẩy được những đồ chơi có bánh.
-------Nguồn sưu tầm-------

Công thức làm sữa ngô ngon lành và bổ dưỡng cho mẹ, bé và người thân

5:50 PM |
Bắp ngô ^^!
Bạn đã từng được ăn các cách chế biến nào từ ngô: ngô nướng, ngô luộc, ngô chiên, ngô xào( gia vị trong các món xào thập cẩm, xào thịt bò…)…
Ngô là loại quả thân thiện, ngon lành bổ dưỡng cho tất cả mọi người. Một trái ngô mỗi ngày, có thể đẩy lùi hàng tá bệnh: táo bón, các bệnh đường ruột, mắt, tim mạch, thiếu máu, stress, suy giảm trí nhớ… nó cũng có tác dụng hỗ trợ tốt cho thai phụ.
Là một nguyên liệu làm món ăn bổ dưỡng như vậy nhưng ngoài ra ngô có thể làm 1 loại thức uống ngon, lành, bổ dưỡng và lạ. Đó chính là sữa ngô.



Với những lý do trên nhóc con của mẹ không thể bỏ qua được công thức làm món sữa ngô vừa ngon vừa bổ sau đây:
Nguyên liệu:
·        Ngô: 3 bắp
·        Sữa tươi: 5 lít, hoặc sữa đặc pha ra.
·        Đường
– Dùng dụng cụ tách hạt ra khỏi cùi bắp, có thể dùng dao nạy hoặc gọt.
– Rửa sạch hạt bắp rồi để ráo.
– Trút hột bắp vào máy say sinh tổ, cho thêm nước sôi để nguội vừa đủ, tùy theo bạn muốn uống loãng hay đặc.
– Sau khi xay thì lọc bã, cặn bằng rây lọc. Sau đó cho phần nước xay bắp đã lọc vào nồi, nấu sôi.
– Vừa nấu vừa dùng vá khuấy đều để cho phần bột bắp không bị bám dưới đáy nồi.
– Khi sôi thì bắt đầu đổ sữa tươi và đường vào, khuấy đều. Nếm cho vừa miệng.
– Đợi nồi sữa sôi lại lần nữa là xong. Uống khi còn nóng rất ngon. Nhưng nếu nguội rồi thì bỏ tủ lạnh uống dần chứ không là nó hư.
>>>>>>> Xem thêm đăng ký học chuyển đổi sang sư phạm mầm non năm 2016

Tác động khủng khiếp của điện thoại lên trẻ em

12:15 AM |

100 nhà khoa học đang khẩn cầu Liên Hợp Quốc cảnh báo về tác động khủng khiếp của điện thoại lên trẻ em


Bài báo này chỉ là một phần nhỏ của các nghiên cứu về sự nguy hiểm của những thiệt bị này. Chúng tôi khuyến khích bạn tự tìm hiểu sâu hơn, và chỉ muốn cung cấp một nền tảng để cho bạn thấy được có những thứ mà cần nhiều người phải chú ý hơn nữa.

tác động không tốt của điện thoại tới trẻ em



Tiến sĩ Martin Blank, từ Khoa sinh lý và sóng di động lý sinh học tại Đại học Colombia, đã tham gia vào một nhóm các nhà khoa học trên khắp thế giới (đã lên đến hơn 100 người) để làm một khẩn cầu quốc tế tới Liên Hiệp Quốc về sự nguy hiểm của việc sử dụng những thiết bị phát ra điện từ, như điện thoại di động (ĐTDĐ) và WiFi.

tác động khủng khiếp về điện thoại lên trẻ em

Nhiều nghiên cứu cũng đã tiết lộ việc bức xạ của ĐTDĐ có thể gây ung thư.
Và bạn có biết Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã xếp tần số vô tuyến (bao gồm cả những gì từ ĐTDĐ) là tác nhân có thể gây ung thư vào năm 2001?
Nguy cơ từ sử dụng ĐTDĐ càng trở nên đáng tin khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận rằng bức xạ của ĐTDĐ có thể gây ra ung thư vào năm 2011.
Tuyên bố này dựa trên một quyết định của một nhóm 31 nhà khoa học, đến từ 14 nước, sau khi xem xét các bằng chứng gợi ý điều này là có thực.
Đây là những tin tức khiến ta phải giật mình, đặc biệt là có một thực tế rằng não của trẻ em hấp thụ bức xạ mạnh hơn nhiều lần so với người lớn.
Tiến sĩ Devra Davis, là một trong những người được nể trọng và có uy tín nhất trên những nghiên cứu về nguy cơ của ĐTDĐ.
 điện thoại di động chính là một máy phát vi sóng hai chiều,’ Ts Davis chỉ ra.
"Họ đã thành công khi đấu tranh để được sử dụng cụm từ ‘năng lượng tần số vô tuyến’ thay vì bức xạ vi sóng. Bởi họ biết rằng năng lượng tần số vô tuyến nghe vô hại hơn.
Ta nghe nhạc qua radio. Ai cũng cần thêm năng lượng. Còn điều gì tuyệt hơn?
Nhưng năng lượng tần số vô tuyến chính là cách gọi khác của bức xạ vi sóng.
Nếu mọi người hiểu được họ đang để một thiết bị bức xạ vi sóng hai chiều ngay cạnh não của mình hay cạnh cơ quan sinh sản, có thể họ sẽ nghĩ khác về nó.
Nguy hiểm tới Khả năng sinh sản , Phụ nữ có thai và Trẻ nhỏ
Tiến sĩ Davis đã đưa ra cảnh báo, đặc biệt, về nguy cơ trên phụ nữ có thai và thai nhi của họ, hơn nữa nghiên cứu trên động vật trước khi sinh khi tiếp xúc với bức xạ từ ĐTDĐ đã cho thấy:
• Thay đổi DNA
• Thay đổi tuần hoàn não
• Tổn thương dây cột sống
• Ảnh hưởng khả năng học hỏi
Bộ não của trẻ nhỏ chứa nhiều dung dịch hơn của người lớn, và có hộp sọ mỏng hơn, điều này ảnh hưởng tới lượng bức xạ được hấp thụ, khiến cho chúng dễ bị tổn hại hơn so với người lớn.
Với thiếu niên sử dụng ĐTDĐ từ khi còn nhỏ, nguy cơ ung thư não sẽ cao hơn khoảng bốn tới năm lần so với những người không sử dụng.
Trong khi đó, một phân tích tổng hợp đã cho thấy việc tiếp xúc với bức xạ điện từ mức độ thấp (EMR) từ ĐTDĐ làm giảm tính linh hoạt của tinh trùng tới 8% và khả năng sống của tinh trùng tới 9%.
Những điều bạn có thể làm để hạn chế sự tiếp xúc & Vì sao bạn tốt nhất đừng nên lo lắng
Lo lắng là vô nghĩa và chẳng giải quyết được vấn đề gì. Tuy đọc được những thông tin như vậy có thể đáng sợ, và đó cũng là phản ứng mà bạn nên có.
Nhưng rũ bỏ sợ hãi có lẽ chính là bước đầu tiên để hạn chế hiệu ứng của trường điện từ trên cơ thể bạn.
Cho tới khi ngành công nghiệp bắt đầu coi trọng vấn đề này, trách nhiệm giữ cho trẻ nhỏ an toàn rõ ràng phụ thuộc vào chính những bậc cha mẹ.
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ cho bộ não của bạn, và của con bạn, đây là những lời khuyên dành cho bạn:
- Đừng để con nhỏ của bạn sử dụng điện thoại di động hay bất cứ thiết bị không dây nào. Trẻ em dễ bị gây hại bởi bức xạ hơn người lớn rất nhiều lần.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại di động. Chỉ cần điện thoại di động của bạn đang bật, nó sẽ liên tục phát ra bức xạ, ngay cả khi bạn đang không gọi điện. Nên hãy tắt điện thoại nếu có thể.
- Giảm thiểu hay dừng sử dụng những thiết bị không dây khác. Ngay cả điện thoại bàn di động cũng có thể đem tới nguy cơ.
Tốt nhất nên để máy chính ở cách xa bạn ít nhất ba căn phòng so với nơi bạn dành nhiều thời gian nhất, đặc biệt là phòng ngủ.
- Hạn chế sử dụng điện thoại ở vùng sóng yếu.
Sóng càng yếu, điện thoại của bạn sẽ phải dùng nhiều năng lượng hơn để truyền dẫn, và nó cũng sẽ phát ra nhiều bức xạ hơn.
- Tránh mang điện thoại trên người, và không ngủ với điện thoại dưới gối hay gần đầu của bạn.
Để điện thoại trong bra hay túi ngực gần tim của bạn chính là tự tìm đến rắc rối, cũng như việc để điện thoại trong túi quần nếu như một người đàn ông muốn trở nên vô sinh.
- Nơi nguy hiểm nhất, nếu nói về việc tiếp xúc với bức xạ, chính là khoảng 15cm xung quanh ăn ten phát.
Nên là khi điện thoại đang bật, tốt nhất đừng để bộ phận nào tiếp xúc với khu vực đó.
- Tôn trọng người khác; nhiều người rất nhạy cảm với trường điện từ.
Nên hãy hạn chế dùng điện thoại ở nơi công cộng. Trẻ nhỏ mỏng manh hơn ta rất nhiều. Nên tốt nhất hãy tránh sử dụng điện thoại gần chúng.
Hãy biết cách tự bảo vệ chính bản thân và sức khỏe của bạn cũng như của những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ.
                                                                                                                                  theo GenK/TTVN
Powered by Blogger.

blog chia sẻ cách chăm sóc con cái, kinh nghiệm nuôi con, dạy con cách ăn cách nói, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ

Contributors